Việc chỉnh sửa hình dạng mũi ảnh hưởng rất lớn đến sắc diện chung của một người vì mũi là trung tâm của khuôn mặt. Khi được chỉnh cho gần với chuẩn thì không nhũng riêng chiếc mũi đó đẹp hơn mà đồng thời chiếc mũi đó ảnh hưởng, cải thiện đến những cảm nhận – của người ngắm nhìn - về thẩm mỹ trên nhũng vùng khác của khuôn mặt. Vì vậy, nếu trên khuôn mặt có nhiều cái cần làm đẹp thì mũi là bộ phận cần sửa trước tiên.
Chiếc mũi bẩm sinh rất đa dạng nhưng các nhà nghiên cứu cũng gần thống nhất với nhau về tiêu chuẩn của một cái mũi đẹp. Vì vậy, kỹ thuật chỉnh hình mũi dành cho người Á châu, Châu Phi và cho người Âu châu có khác nhau. Vấn đề của người Tây Âu thì là mũi to quá, gồ, khoằm, lệch, dài… phẫu thuật chủ yếu là làm mũi nhỏ gọn lại, hài hòa hơn…
Người Á Châu bẩm sinh có một tháp mũi ngắn, sống mũi thấp, nền mũi hẹp, lỗ mũi tròn . Mục tiêu chính của phẫu thuật thẩm mỹ mũi á châu là làm cho tháp mũi cao lên, thẳng và dài hơn.
1. Phương pháp thứ nhất: Kỹ thuât cổ điển: Nâng mũi cao lên bằng một thanh độn duy nhất.
Có thể dùng vật liệu tự thân ( của chính người đó) như sụn sườn, sụn vành tai, xương sọ đính, xương mào chậu, các loại cân mạc, bì của da…
Hay dùng vật liệu tương tự từ đồng lọai (từ người khác) hoặc dị lọai ( từ sinh vật khác lòai: sụn bò, da heo …).
Hay dùng vật liệu tương hợp sinh học: silicone dẽo, Gore-Tek, Porex, san hô, Hydrogel ( Aquamid) Radiesse…
Dĩ nhiên, dùng vật liệu của chính mình là an toàn nhất.
Ở vùng Á đông các bác sĩ thẩm mỹ và chính các người được sửa mũi hay chuộng các vật liệu tương hợp sinh học.
Những nghiên cứu khoa học và sự theo dõi trên người lâu dài đã chứng minh tính an toàn của một số vật liệu sinh học như: silicone dẽo, Gore-Tex, Porex… Trong đó silicone dẽo là vật liệu thông dụng nhất đã được dùng từ rất lâu trong phẫu thuật thẩm mỹ mũi người Á đông.
Các phẫu thuật viên Âu Mỹ không dùng những vật liệu tương hợp sinh học vì họ gặp phải khá nhiều biến chứng khi dùng những vật liệu này trên quần thể của họ – thường là có da vùng mũi rất mỏng và bản thân mũi đã quá cao.
Độn bằng vật liệu tương hợp sinh học trên người Á châu thì thành công hơn vì hai lý do: da mũi người Á châu dày hơn, chắc hơn và người Á châu không cần phải có một mũi cao to, lồ lộ như người âu mỹ. Dùng vật liệu tương hợp sinh học có lợi là không cần phải làm thêm một phẫu thuật để lấy mô ghép, khối lượng vật liệu gần như vô tận, tạo dáng cho thanh độn khá dễ dàng, dễ đẹp, thời gian mổ ngắn.
Nguyên tắc cơ bản của chỉnh hình mũi an toàn là tạo một mũi nhỏ gọn, hài hòa, không cao quá, không dài quá.
Khi chỉnh hình mũi bằng vật liệu nhân tạo thì phải tôn trọng một số quy định về kỹ thuật và chỉ định.
Nên cẩn thận đối với những mũi quá ngắn và da mũi mỏng. Sự cố gắng làm mũi dài ra, cao lên chỉ bằng một thanh độn bằng vật liệu tổng hợp chắc chắn sẽ làm da mũi bị căng, nhất là ở vùng đỉnh mũi, da sẽ mỏng dần lộ sống và thủng
2. Phương pháp thứ hai: Kỹ thuật chỉnh hình mũi cấu trúc hiện đại giúp giải quyết những vấn đề trên. Có tên gọi mới là “chỉnh hình mũi cấu trúc” (structural rhinoplasty). Trong phẫu thuật, da mũi được bóc tách đúng lớp, bảo đảm độ dày để phơi bày toàn bộ cấu trúc sườn của xương mũi và đỉnh mũi. Đỉnh mũi sẽ được tạo dựng lại thích hợp bằng vật liệu tự thân (sụn vành tai, sụn vách ngăn, sụn sườn…). Vùng sống mũi thì có thể dùng vật liệu nhân tạo hay tự thân. Xương tháp mũi có thể được thu hẹp theo chiều ngang bằng kỹ thuật cắt xương. Sau đó phủ lại nhẹ nhàng da tháp mũi. Không được để một lực căng nào đáng kể tác động trên da mũi.
Đây là một kỹ thuật mổ thực sự tinh tế và nghệ thuật. Tháp mũi các loại gần như có thể được tạo hình như ý. Và kết quả thì rất lâu bền. Đây cũng là kỹ thuật dùng để sửa chữa những mũi bị hư do chấn thương hay phẫu thuật trước đó.
Gần như không có chống chỉ định về phẫu thuật thẩm mỹ mũi. Dĩ nhiên đối với những bệnh nhân có bệnh lý toàn thân nặng như rối loạn đông máu, suy giảm miễn dịch… thì nên tránh mọi mổ xẻ, không riêng gì phẫu thuật thẩm mỹ.
Việc sửa cho mũi đẹp hơn thì nên làm và thường là làm được. Cần thảo luận kỹ với phẫu thuật viên về loại phẫu thuật, mổ gì, kết quả ra sao? Hết sức thận trọng trên những chiếc mũi đã được mổ rồi nhưng kết quả chưa vừa ý. Mũi không phải là hộp diêm để có thể mở ra, đóng lại tùy tiện. Càng mổ nhiều lần, mũi càng mong manh, dễ hư, khó đẹp. Cũng xin nhắc lại: kẻ thù của cái đẹp là cái toàn hảo.
Chỉnh hình mũi là một phẫu thuật an toàn. Cần phân biệt biến chứng với những trường hợp kết quả không vừa ý. Biến chứng nặng hơn và rất ít gặp như nhiễm trùng, tụ máu, lộ sống mũi… Kết quả không vừa ý nhiều hơn, đa dạng, như lệch sống mũi; mũi ngắn quá hay dài quá; không đủ cao hay cao quá; chóp mũi to quá, nhọn quá… Phẫu thuật viên càng nhiều kinh nghiệm, nắm bệnh sử, xem kỹ tình trạng mũi hiện có của bệnh nhân, xét nghiệm tiền phẫu càng tốt, mổ trong cơ sở phẫu thuật càng hoàn chỉnh thì biến chứng càng ít. Vô trùng tuyệt đối là tiêu chuẩn vàng của cuộc mổ thẩm mỹ mũi an toàn.
Cần lưu ý đến xuất phát điểm của chiếc mũi để thảo luận kỹ giữa bệnh nhân và bác sĩ về mục đích sau cùng. Đạt được một đồng thuận trước mổ sẽ hạn chế được những kết quả không vừa ý.
Chỉ cần những sai biệt nhỏ về kích thước và hình dạng tính bằng ly đủ làm cho một mũi xấu đi hay đẹp hơn. Điều quan trọng nữa là mũi sửa phải hài hòa với những nét chung của khuôn mặt và phù hợp với cá tính của người được sửa.
Phẫu thuật viên chỉnh hình mũi cần có đầy đủ kiến thức về giải phẫu học, nhiều kinh nghiệm, khéo tay và nhất là có một cảm nhận tinh tế về cái đẹp.
PGS TS BS Lê Hành
Giám đốc Viện Phẫu Thuật Thẩm Mỹ Lê Hành
Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm Mỹ TP Hồ Chí Minh.